×

[4-12-2024] Thị trường ngày 3/12/2024

Đăng ngày 04-12-2024 bởi admin

BẢNG GIÁ ĐÓNG CỬA PHIÊN 3/12

NÔNG SẢN

• Giá đậu tương tăng nhẹ trở lại hơn 0,5%, xóa đi hoàn toàn mức tăng trong phiên trước đó, nhờ diễn biến tích cực của thị trường dầu thực vật. Các nhà giao dịch cho biết, nhu cầu dầu ăn của Ấn Độ tăng trong các dịp lễ hội gần đây đã đẩy nhập khẩu dầu ăn của nước này trong tháng 11 tăng 12% so với tuần trước, lên mức 1,6 triệu tấn - mức cao nhất kể từ tháng 7 năm 2024.

• Giá ngô tiếp tục giảm nhẹ nhưng nhìn chung vẫn duy trì khoảng biến động đi ngang trong vài phiên trước đó. Một vụ thu hoạch bội thu của Mỹ và triển vọng về vụ mùa kỷ lục ở Argentina tiếp tục hạn chế đà hồi phục trước đó của giá ngô. Ngoài ra, tốc độ xuất khẩu mạnh mẽ của Mỹ trong phần lớn mùa thu này đang có dấu hiệu chậm lại cũng góp phần lý giải cho xu hướng giằng co của ngô trong 1 tuần vừa qua.

• Giá lúa mì đóng cửa với mức thay đổi không đáng kể, tương tự như 2 phiên liền trước đó. Tình hình mùa màng cải thiện ở khu vực Plains sau trận mưa tháng trước tiếp tục gây sức ép lên giá lúa mì Mỹ. Tuần trước, USDA đánh giá lúa mì Mỹ đang có chất lượng đạt mức cao nhất trong 6 năm qua

NGUYÊN LIỆU CÔNG NGHIỆP

• Giá cà phê Arabica đánh mất 0,19% xuống 6,514 USD/tấn, mức thấp nhất trong hơn một tuần qua; trong khi giá cà phê Robusta giảm mạnh 4,3% xuống 4,626 USD/tấn, mức thấp nhất kể từ giữa tháng 11. Làn sóng rút vốn trở nên mạnh mẽ sau khi Sở Giao dịch Liên lục địa (ICE) tăng ký quỹ cho các hợp đồng tương lai cà phê, khiến việc nắm giữ vốn lớn trong các vị thế cà phê không còn hấp dẫn như trước.

• Giá ca cao giảm gần 4% trong phiên hôm qua, xuống 9,038 USD/tấn, mức thấp nhất trong một tuần. Áp lực giảm giá đến từ nguồn cung cải thiện, các nhà xuất khẩu ca cao tại Bờ Biển Ngà cho thấy, từ ngày 1/10 đến ngày 1/12, lượng ca cao cập cảng tại quốc gia sản xuất mặt hàng này lớn nhất thế giới đạt 734.026 tấn, tăng mạnh 34,6% so với cùng kỳ năm trước.

NĂNG LƯỢNG

• Giá dầu tăng vọt gần 3% trong phiên hôm qua, trong bối cảnh tình hình xung đột tại Trung Đông có dấu hiệu leo thang. Cụ thể, Israel liên tiếp vi phạm thỏa thuận ngừng bắn trong nhiều ngày, sau khi lên tiếng tố cáo lực lượng Hezbollah phớt lờ các yêu cầu của thỏa thuận. Các quan chức cấp cao của Lebanon đã thúc giục Washington và Paris gây sức ép buộc Israel duy trì lệnh ngừng bắn, vốn đã mong manh và có nguy cơ đổ vỡ bất cứ lúc nào. Bên cạnh đó, thị trường cũng đang đặt cược vào khả năng OPEC+ sẽ duy trì các biện pháp cắt giảm sản lượng cho tới hết quý I/2025. Ở chiều ngược lại, việc API báo cáo tồn kho dầu thô thương mại của Mỹ trong tuần kết thúc ngày 29/11 tăng 1,23 triệu thùng, trái với kỳ vọng giảm 2,06 triệu thùng của thị trường, đã phần nào thu hẹp đà tăng của giá dầu.

KIM LOẠI

• Giá bạc phục hồi 2,03% lên 31,49 USD/ounce, giá bạch kim cũng tăng hơn 1% lên mức 960,2 USD/ounce. Với vai trò là "hầm trú ẩn an toàn" mỗi khi nền kinh tế có biến động, kim loại quý tiếp tục được hưởng lợi trong bối cảnh xung đột địa chính trị leo thang và rủi ro căng thẳng thương mại gia tăng. Vào hôm qua, Trung Quốc đã tuyên bố cấm xuất khẩu sang Mỹ các mặt hàng liên quan đến gali, germani, antimon và các vật liệu siêu cứng có khả năng ứng dụng trong quân sự. Thông báo của Trung Quốc được đưa ra sau khi Washington có động thái can thiệp đối với ngành công nghiệp bán dẫn của Trung Quốc. • Giá quặng sắt tăng 0,48% lên 105,11 USD/tấn, chủ yếu được hỗ trợ nhờ kỳ vọng Trung Quốc tiếp tục kích thích kinh tế. Trong bài phát biểu tại một diễn đàn tài chính diễn ra ở Bắc Kinh vào hôm qua (3/12), Thống đốc Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC), Pan Gongsheng, đã tái khẳng định rằng PBOC sẽ duy trì sẽ duy trì lập trường chính sách tiền tệ hỗ trợ để thúc đẩy tăng trưởng vào năm tới, đặc biệt là khi nền kinh tế nước này phải đối mặt với những thách thức mới từ cuộc chiến thương mại với Mỹ trong nhiệm kỳ thứ hai của ông Donald Trump