06/06/2025 Ngành ô tô châu Âu lao đao vì Trung Quốc siết xuất khẩu đất hiếm
Theo Hiệp hội các nhà cung cấp ô tô châu Âu (CLEPA), một số nhà máy và dây chuyền sản xuất linh kiện ô tô ở châu Âu đã phải tạm ngừng hoạt động do ảnh hưởng từ các biện pháp kiểm soát xuất khẩu gần đây của Trung Quốc. CLEPA cảnh báo tình trạng ngừng sản xuất có thể tiếp diễn nếu nguồn dự trữ cạn kiệt.
Ngành ô tô Đức cùng nhiều lãnh đạo doanh nghiệp trong lĩnh vực này cũng lên tiếng cảnh báo rằng ngành công nghiệp ô tô toàn cầu – vốn phụ thuộc lẫn nhau chặt chẽ – đang đứng trước nguy cơ gián đoạn chuỗi cung ứng nghiêm trọng hơn.
Bộ Thương mại Trung Quốc vào đầu tháng 4 đã áp đặt hạn chế xuất khẩu đối với một số nguyên tố đất hiếm và nam châm đất hiếm – những vật liệu thiết yếu trong ngành ô tô, quốc phòng và năng lượng. Các biện pháp này được xem là phản ứng trước việc Tổng thống Mỹ Donald Trump tăng thuế đối với hàng hóa Trung Quốc.
Một số nguyên tố đất hiếm bị ảnh hưởng đóng vai trò then chốt trong sản xuất cả động cơ đốt trong lẫn xe điện.
CLEPA cho biết tính đến nay, đã có hàng trăm đơn xin giấy phép xuất khẩu được gửi đến giới chức Trung Quốc từ đầu tháng 4, nhưng chỉ khoảng 25% trong số đó được chấp thuận.
Tổng thư ký CLEPA, ông Benjamin Krieger, nhận định: “Với chuỗi cung ứng toàn cầu đan xen phức tạp, việc Trung Quốc hạn chế xuất khẩu đang trực tiếp khiến các nhà cung cấp ở châu Âu phải dừng sản xuất.”
Hiệp hội Công nghiệp Ô tô Đức (VDA), tổ chức vận động hành lang lớn nhất cho ngành ô tô nước này, cũng cảnh báo rằng các hạn chế xuất khẩu của Trung Quốc có thể khiến hoạt động sản xuất bị đình trệ.
Chủ tịch VDA, bà Hildegard Müller, nói với CNBC qua email: “Các hạn chế xuất khẩu đất hiếm từ Trung Quốc là thách thức nghiêm trọng đối với vấn đề an ninh nguồn cung – không chỉ riêng chuỗi cung ứng ngành ô tô. Dù một số giấy phép đã được cấp, con số này hiện vẫn chưa đủ để đảm bảo quá trình sản xuất diễn ra suôn sẻ.”
Bà cũng nhấn mạnh thêm rằng việc thông quan xuất khẩu đang diễn ra chậm chạp, kể cả với các lô hàng đã được cấp phép. “Nếu tình hình không sớm được cải thiện, nguy cơ chậm trễ hoặc ngưng sản xuất là hoàn toàn có thể xảy ra.”
Müller kêu gọi chính phủ Đức và Liên minh châu Âu nhanh chóng gây sức ép với phía Trung Quốc để tìm ra giải pháp.
Nhu cầu về đất hiếm và khoáng sản chiến lược được dự báo sẽ tăng vọt trong những năm tới khi thế giới chuyển dịch sang năng lượng sạch. Hiện tại, Trung Quốc là quốc gia thống trị chuỗi cung ứng các loại khoáng sản này, chiếm khoảng 60% sản lượng đất hiếm toàn cầu. Các quan chức Mỹ từng cảnh báo đây là thách thức chiến lược lớn trong bối cảnh chuyển đổi năng lượng.
"Chúng ta cần tiếp tục tìm kiếm giải pháp thay thế"
Hãng xe Đức BMW hôm thứ Tư cho biết một số nhà cung cấp của họ đã bị ảnh hưởng bởi hạn chế xuất khẩu của Trung Quốc, trong khi hai hãng lớn khác là Volkswagen (ETR:VOWG_p) và Mercedes-Benz nói rằng hiện chưa gặp tình trạng thiếu hụt.
Người phát ngôn của Mercedes-Benz cho biết hãng có chiến lược dài hạn nhằm đảm bảo nguồn cung nguyên liệu thô, trong đó bao gồm cả việc giảm thiểu rủi ro về chuỗi cung ứng. Hãng cũng đang nghiên cứu những vật liệu mới để giảm đáng kể lượng đất hiếm sử dụng trên mỗi xe. “Trong tương lai, Mercedes-Benz muốn loại bỏ việc dùng các nguyên tố đất hiếm nặng như dysprosium trong hệ thống truyền động điện.”
Volkswagen cũng cho biết nguồn cung linh kiện chứa đất hiếm hiện vẫn ổn định. “Các nhà cung cấp của chúng tôi vẫn đang làm việc với đối tác phụ để xin giấy phép xuất khẩu cần thiết. Chúng tôi được biết một số lượng hạn chế giấy phép đã được cấp.”
BMW hiện chưa đưa ra bình luận.
Không chỉ các hãng xe châu Âu gặp vấn đề với đất hiếm, mà các nhà sản xuất Nhật Bản cũng đang chịu ảnh hưởng.
Hãng Nissan của Nhật cho biết đang làm việc với chính phủ và Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Nhật Bản nhằm giảm thiểu tác động từ lệnh kiểm soát của Trung Quốc. Giám đốc điều hành Nissan, ông Ivan Espinosa, nói với CNBC rằng: “Đây là một vấn đề đang diễn ra và chắc chắn sẽ có tác động nhất định đến ngành ô tô.” Ông cũng nhấn mạnh: “Chúng ta cần tiếp tục tìm ra các lựa chọn thay thế để duy trì tính linh hoạt và mở rộng khả năng thích ứng trong tương lai.”